Ngày 20/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Công chứng số 53/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Có thể nói, việc ban hành Luật Công chứng năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể trong việc tham gia xác lập, thay đổi, chấm dứt các giao dịch dân sự; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hạn chế những tranh chấp, rủi ro phát sinh giữa các bên; qua đó, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, qua quá trình triển khai thi hành, một số quy định của Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ điểm bất cập, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
- Hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên
Điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gồm: … b) Phiếu lý lịch tư pháp”.
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đang là viên chức tại các Phòng công chứng thì cơ quan quản lý viên chức là đơn vị nắm đầy đủ về thông tin của cá nhân đó.
Để khắc phục tình trạng bất cập, rườm rà về thủ tục hành chính trong quá trình bổ nhiệm công chứng viên, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đang là viên chức làm việc tại các Phòng công chứng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp (quy định này cũng là phù hợp với quy định liên quan đến bổ nhiệm các chức danh tư pháp khác như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã quy định: “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp”).
2. Những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường cải cách tư pháp để sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế thì vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và công chứng viên trong xã hội ngày càng được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn. Theo Luật Công chứng năm 2014, nhiệm vụ của công chứng viên là “chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng” (khoản 1 Điều 2). Đồng thời, chức năng xã hội của công chứng viên là “cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội” (Điều 3).
Với vị trí, vai trò vô cùng quan trọng như vậy, một người muốn được xem xét bổ nhiệm công chứng viên, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì còn phải không thuộc những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên. Một trong những trường hợp đó là “Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự” (khoản 3 Điều 13). Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì Luật Công chứng năm 2014 chưa đề cập đến trường hợp “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”, như vậy là chưa đầy đủ và thống nhất. Điều này cũng là dễ hiểu khi Luật Công chứng năm 2014 được ban hành trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015: năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người thành niên (là người từ đủ mười tám tuổi trở lên) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 22; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi quy định tại Điều 23 và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 24 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đặc điểm của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đã đủ 18 tuổi nhưng do tình trạng sức khỏe hoặc tinh thần dẫn đến khả năng nhận thức của họ cũng sẽ bị hạn chế. Những người có khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi sẽ gặp khó khăn trong việc thể hiện ra bên ngoài ý chí đích thực của mình so với những người có năng lực nhận thức bình thường. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải có người giám hộ.
Do đó, để quy định đầy đủ và phù hợp, đề nghị sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 13 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng: không bổ nhiệm công chứng viên đối với “Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.
3. Tên gọi của Văn phòng công chứng
Khoản 3, Điều 22, Luật Công chứng 2014 quy định: “3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Thực tiễn thi hành cho thấy quy định đã bộc lộ bất cập, hạn chế:
- Thứ nhất: Chưa thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp về tên doanh nghiệp (Điều 37, Điều 38), theo đó, không bắt buộc tên của doanh nghiệp phải có kèm theo họ tên của một cá nhân là chủ doanh nghiệp hoặc thành viên hợp danh.
- Thứ hai: Việc quy định tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng sẽ dẫn đến trường hợp có thể trùng tên của Văn phòng công chứng bởi thực tế tên của cá nhân trùng nhau là điều bình thường. Trong khi đó Luật lại quy định tên gọi không được trùng với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác. Vậy nếu tên của Văn phòng công chứng này mà trùng với tên của Văn phòng công chứng khác thì tên của các Văn phòng công chứng trong các trường hợp này sẽ xác định, xử lý như thế nào?
Với những bất cập trên, đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật theo hướng quy định tên gọi của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định pháp luật về doanh nghiệp.
4. Trường hợp việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng
Luật Công chứng năm 2014 quy định: việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các “trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu…hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng” thì việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Để áp dụng quy định trên, đòi hỏi công chứng viên phải xác định được người yêu cầu công chứng vừa “già” lại vừa “yếu”. Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản nào quy định chi tiết và định nghĩa khái niệm “Người già yếu” mà chỉ đề cập đến khái niệm “Người cao tuổi”, “Người lao động cao tuổi”. Tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên” và Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định một chế định riêng về “Người lao động cao tuổi” tại Mục 2 Chương XI, trong đó, khoản 1 Điều 148 quy định: “1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này”, cụ thể khoản 2 Điều 169 quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”.
Do đó, việc xác định người yêu cầu công chứng là “người già yếu” khi thực hiện việc công chứng hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định chủ quan của công chứng viên. Thực tế để xác định được chính xác đối tượng đặc biệt này đòi hỏi công chứng viên phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tình trạng sức khỏe và độ tuổi của người yêu cầu công chứng.
Ngoài ra, quy định mang tính chất chung chung “hoặc có lý do chính đáng khác” không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, rất khó xác định, thế nào được coi là “có lý do chính đáng khác”. Quy định này cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể.
5. Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định. Việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng được quy định cụ thể tại Điều 48, Luật Công chứng năm 2014, đây là việc làm thể hiện ý chí tự nguyện, đồng thời nhằm xác nhận người tham gia trong giao dịch là chính họ chứ không phải ai khác, tránh trường hợp người khác giả mạo họ tham gia giao dịch, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Đối với việc điểm chỉ, Khoản 2 quy định như sau: “Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào”. Có thể nói, việc pháp luật quy định điểm chỉ thay thế việc ký trong một số trường hợp là cần thiết, vì trên thực tế, không phải ai cũng có thể ký tên.
Tuy nhiên, quy định này vẫn còn điểm bất cập khi chưa bao quát, điều chỉnh được trường hợp nếu người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không thể ký được và cũng không thể điểm chỉ được (bị cụt cả hai tay) thì làm như thế nào. Trường hợp này trên thực tế không phải là hiếm, có thể do bẩm sinh, có thể do tai nạn… trong khi họ chỉ bị khiếm khuyết về cơ thể còn trí óc, tinh thần vẫn hoàn toàn minh mẫn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công chứng viên trong quá trình hành nghề cũng như thống nhất cách làm trong thực tiễn. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định đối với trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không thể ký, không thể điểm chỉ được do khiếm khuyết của cơ thể thì phải có người làm chứng ký hoặc điểm chỉ vào văn bản công chứng để xác nhận ý chí của người yêu cầu công chứng trong giao dịch dân sự./.