Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Trong thời gian qua, công tác tổ chức thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí về số vụ, thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định; các vướng mắc này xuất phát từ các quy định của pháp luật chưa thống nhất, chưa cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Sau đây, xin đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định về PCCC.

1. Do điều kiện địa phương chưa hoàn thiện hạ tầng cấp nước chữa cháy đô thị, vì vậy gần như 100% các công trình đều phải xây dựng bể nước dự trữ phục vụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà, mặt khác khối tích bể nước phục vụ chữa cháy ngoài nhà rất lớn, các công trình có diện tích, quy mô nhỏ khó đáp ứng theo yêu cầu quy định tại bảng 8, 9 QCVN 06:2022/BXD.

2. Các hạng mục công trình trường học, trụ sở cơ quan đã đầu tư xây dựng trước đây chủ yếu thiết kế hạng mục nhà từ 2 tầng trở lên và chỉ bố trí 01 cầu thang giữa, hoặc có 02 cầu thang nhưng không đảm bảo khoảng cách phân tán giữa 02 thang, khoảng cách giữa 2 cửa của gian phòng (khoảng cách giữa 2 lối thoát nạn phải lớn hơn hoặc bằng 1/2 đường chéo của tầng nhà hoặc gian phòng), vì vậy phải bố trí thêm thang thoát nạn hoặc bố trí lại cửa đi của gian phòng. Tuy nhiên, mặt bằng một số hạng mục không đảm bảo để bố trí thêm thang thoát nạn trong nhà hoặc cầu thang hở ngoài trời. Việc bố trí thêm thang thoát nạn sẽ phải phá dỡ một số hạng mục công trình hiện có, dẫn đến phải bố trí nguồn vốn, mặt bằng để đầu tư hoàn trả lại các hạng mục phải phá dỡ, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện (tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí đầu tư công).

3. Tại Phụ lục C TCVN 3890:2023 quy định “Các cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt trên đất liền thuộc diện phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà”. Ngày 11/4/2023, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an có Công văn số 1091/C07-P3,P4,P7 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, trong đó hướng dẫn “Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà của cửa hàng xăng, dầu, cửa hàng kinh doanh khí đốt áp dụng Bảng 8 của QCVN 06:2022/BXD để xác định lưu lượng”. Tuy nhiên, những loại hình cơ sở nêu trên nằm ngoài phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD. Do đó, việc hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện nội dung trên sẽ gặp nhiều khó khăn (không đảm bảo căn cứ pháp lý để hướng dẫn).

4. Điểm a, khoản 3, Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định “Cơ sở có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội PCCC cơ sở, chuyên ngành và do người đứng đầu cơ sở chỉ huy, chỉ đạo”. Trên thực tiễn, một số cơ sở kinh doanh xăng, dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng tư nhân trên địa bàn tỉnh có từ 02 đến 03 người làm việc sẽ phải tham gia đội PCCC cơ sở. Trong khi, khoản 3, Điều 5 Thông tư số 150/2020/TT-BCA quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh và yêu cầu của công tác PCCC và CNCH tại cơ sở để xem xét, quyết định số lượng phương tiện PCCC và CNCH trang bị cho lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành bảo đảm theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư” (theo Phụ lục II Thông tư số 150/2020/TT-BCA quy định đối với các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ thuộc Phụ lục II Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải trang bị 05 mũ chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ; quần áo chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ; găng tay chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ; giầy, ủng chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ và mặt nạ lọc độc).

Thực tế khi hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở kinh doanh xăng, dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng tư nhân trên địa bàn tỉnh chỉ có từ 02-03 người làm việc phải trang bị 05 mũ chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ; quần áo chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ; găng tay chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ; giầy, ủng chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ và mặt nạ lọc độc gặp khó khăn.

5. Điều 2.6.11 QCVN 01:2021/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng” quy định “Diện tích đất tối thiểu của cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới tuân thủ quy định tại Điều 5 QCVN 01:2020/BCT”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 QCVN 01:2020/BCT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu” không quy định về diện tích đất tối thiểu của cửa hàng xăng dầu mà chỉ quy định về dung tích tối thiểu của cửa hàng xăng dầu, vì vậy quy định của 02 QCVN nêu trên không đồng nhất, khó khăn trong quá trình thực hiện.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 555.054
      Online: 6